Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa điển nghĩa
ngàn Bá 岸灞
dt. đc. dịch chữ bá ngạn 灞岸 (bờ sông bá), trên sông Bá có cầu Bá 灞橋. Tôn Quang Hiến đời Tống trong Bắc mộng toả ngôn ghi: tướng quốc nhà Đường là Trịnh Khể 鄭綮 nổi tiếng về thơ, vốn không có tham vọng ở chốn lang miếu…khi ấy, quân thái nguyên đã đến vị bắc, thiên tử lo lắm, muốn tìm cách khu trừ, tướng quốc trả lời, xin gia thêm một chữ “triết 哲” cho thuỵ của Văn Tuyên Vương… các quan đồng liêu coi đó làm xấu hổ, thường tỏ ý gièm pha coi thường ông. Tướng quốc bèn đề thơ lên vách sảnh trung thư, lời thơ rằng: “con bọ bên sườn Côn Lôn, con kiến tha đi mất. Một mai mưa trắng xoá, không nọc không lâu la” (側坡蛆昆侖,蟻子竞來拖。一朝白雨下,無鈍無嘍羅 trắc pha thư Côn Lôn, nghị tử cánh lai đà. Nhất triêu bạch vũ há, vô độn vô lâu la), ý nói vì thời vận sắp suy, giả như có tài trí thì cũng chẳng thế cứu được, nên mới lo lắng ngọc tốt đều bị thiêu, đại khái là như vậy. Tướng quốc có bài thơ đề lão tăng rằng: “nắng chiếu tuyết núi tây, lão tăng chưa mở cửa, bình nước dính chân tảng, lò sưởi lụi tro bay. Đồng tử ốm về mất, hươu tránh rét vào đây.” (日照西山雪,老僧門未开。凍瓶粘柱础,宿火焰爐灰。童子病歸去,鹿麋寒入來 nhật chiếu tây sơn tuyết, lão tăng môn vị khai. Đống bình niêm trụ sở, túc hoả diệm lô hôi. Đồng tử bệnh quy khứ, lộc mi hàn nhập lai). Thường nói: “bài này thuộc thể đối, đầu đuôi cân xứng, viết rất đều tay” có người hỏi: “tướng quốc gần đây có thơ mới không?” trả lời rằng: “thi tứ ở trên lưng lừa trong gió tuyết ở cầu bá kia, chốn ấy làm gì mà có được?” (詩思在灞橋風雪中驢子上,此處何以得之 thi tứ tại bá kiều tuyết trung lư tử thượng, thử xứ hà dĩ đắc chi?). Đại khái ý nói cả đời khổ tâm vậy”. Lừa tìm ngàn Bá nhờ mai bảo, thuyền nổi dòng thu có nguyệt đưa. (Tự thán 90.3)‖ điển này thường được gọi là kỵ lư sách cú 騎驢索句 (cưỡi lừa tìm câu thơ). ở đây, theo điển nghĩa, câu thơ đang nói về tâm trạng của người cô trung trước cuộc thế, chứ không phải chỉ nói về chuyện làm thơ.
trêu tức 嘹𠺒
◎ Thanh phù: liệu 嘹, tức 息. Phiên khác: giéo giắt (TVG), déo dắt (ĐDA, VVK), leo lét (MQL), réo tức (Schneider, PL), cách phiên này đúng mặt chữ Nôm, nhưng như vậy coi “réo tức” là tiếng kêu của chim đỗ quyên. Xét Từ Nguyên, “trêu” vốn là chữ 撩 (AHV: liêu), ví dụ: trêu râu hùm (撩虎鬚), trêu ong phải nọc (撩蜂吃螫). Kiểu tái lập: kleu¹.
đgt. chọc giận. Thục Đế để thành, trêu tức, phong vương đắp luỹ, khóc rân. (Điệp trận 250.5). “khóc rân” là trỏ tâm trạng của bướm khi bị đàn ong thợ chặn không cho vào tổ ăn mật, cho nên “trêu tức” cũng vẫn có chủ thể là bướm (chứ không phải là của Thục Đế như trước nay vẫn hiểu). Lý Thương Ẩn trong bài Cẩm sắt có câu: “Trang sinh tỉnh mộng mê là bướm, Vọng đế lòng xuân mượn cuốc kêu.” (莊生曉夢迷蝴蝶,望帝春心託杜鵑 trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp, Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên). Trang Chu tỉnh giấc mộng rồi vẫn còn băn khoăn rằng mình là Trang Chu hoá bướm hay giờ đang là ở một giấc mộng khác: bướm hoá Trang Chu. Thục Đế mất nước, tiếc nhớ đế vị, cũng như chim đỗ quyên kêu xót vì nhớ tiếc cả mùa xuân đã qua. Sự đan cài các điển nghĩa ở đây cho thấy sự chồng ghép các ý tưởng thơ: mất nước - tiếc xuân - và tất cả chỉ là giấc mộng. Nguyễn Trãi đã dịch gộp cả hai câu thơ của Lý Thương Ẩn: Thục Đế đã bỏ thành quốc ra đi, chỉ còn lại đây đàn bướm xuân mộng mị và nhởn nhơ như đang trêu tức con người.